Đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với dịch COVID-19 và trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 176/KH - SCT nhằm điều tiết cung, cầu hàng hóa, đảm bảo bình ổn thị trường, xử lý kịp thời các tình huống trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 và phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Tân Sửu.

Thực hiện Công văn số 314/UBND-VP ngày 29/01/2021 và Công văn số 334/UBND-VP ngày 31/01/2021 của UBND tỉnh Hải Dương về xây dựng Kế hoạch quản lý cung ứng, lưu thông hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và trong dịp Tết Nguyên đán; ngày 31/12/2021, Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch số 176/KH -SCT về quản lý cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và trong dịp Tết Nguyên đán.
Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch số 176/KH - SCT nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, việc lưu thông hàng hóa khác phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu yếu phẩm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh, đây cũng như phục vụ nhu cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Xây dựng các phương án lưu thông hàng hóa thuận lợi, phù hợp theo từng nhóm hàng để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đến các địa phương bị phong tỏa, cách ly trong mọi tình huống; đồng thời hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm sản xuất trên địa bàn, nhất là tạo thuận lợi cho các đơn vị thu mua, khi đến thu mua, tiêu thụ nông sản tại các địa phương bị phong tỏa.
Tuyên truyền các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tạo nguồn hàng, tăng lượng dự trữ cần thiết, đảm bảo số lượng, chất lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng kịp thời đến các địa phương nhằm phục vụ nhu cầu của người dân khi có yêu cầu, kịp thời điều tiết cung - cầu hàng hóa, đảm bảo bình ổn thị trường, xử lý kịp thời các tình huống trong điều kiện phòng chống dịch
bệnh COVID-19 và phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Tân Sửu.
Kế hoạch đưa ra các phương án quản lý, điều tiết lưu thông hàng hóa như sau:
Đối với địa phương bị phong tỏa (Thành phố Chí Linh.....):
1. Hàng vào địa phương (trước hết là thành phố Chí Linh....): Hiện tại, hàng có nhu cầu đưa vào địa phương (thành phố Chí Linh, ...) chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến sẵn, các hàng tiêu dùng hàng ngày, nhu yếu phẩm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và hàng hóa là vật tư, nguyên liệu sản xuất, thức ăn chăn nuôi cần đưa đến các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, địa điểm kinh doanh được phép hoạt động.v.v. Do đó đề nghị các địa phương, sở, ngành có liên quan chỉ đạo:
- Các hộ gia đình bên cạnh việc áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch theo yêu cầu 5K của Bộ Y tế, cần tiếp tục chủ động nguồn lương thực (gạo, ngô, khoai, các sản phẩm chế biến từ gạo); thực hiện trồng các loại rau ngắn ngày, các loại gia súc, gia cầm thương phẩm có thời gian nuôi ngắn để cung cấp tại chỗ.
- Nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, đề nghị các địa phương chỉ đạo các chốt, trạm kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân được vận chuyển, cung cấp vào địa phương (thành phố Chí Linh, ...) để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuát của người dân trên cơ sở đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid - 19.
2. Hàng ra khỏi địa phương (trước hết là thành phố Chí Linh....):
- Nhóm hàng nông sản, thực phẩm tươi sống: Địa phương (thành phố Chí Linh....) luôn có một lượng nông sản hàng hóa lớn, thường xuyên cung ứng ra ngoài nhất là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc như: Gà thịt, Cá lồng, Cà rốt, Bắp cải, Hoa lơ, một số loại hoa, cây cảnh phục vụ Tết.v.v. Do đó, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi tối đa, ưu tiên cho các các đơn vị thu mua, khi đến thu mua,
tiêu thụ nông sản cho nông dân địa phương (thành phố Chí Linh....).
- Nhóm hàng hóa khác được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ra trên địa bàn: Nếu là các nhóm hàng không bị sức ép về hạn sử dụng thì cần tuyên truyền, vận động lùi thời hạn giao hàng. Riêng các sản phẩm xuất khẩu theo đơn hàng đã ký thì đề nghị địa phương, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các bộ phận liên quan, các chốt, trạm kiểm soát phòng dịch và địa phương xã, phường, thị trấn tạo điều kiện cho phép lưu thông nhưng phải áp dụng các biện phápphòng dịch theo yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
3. Trường hợp không đủ hàng hóa sử dụng hoặc cần tiêu thụ sản phẩm dư thừa tại địa phương:
- Trường hợp thiếu hàng hóa thiết yếu: UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên nắm chắc nhu cầu (tên hàng, số lượng, thời gian, người chịu trách nhiệm ký hợp đồng và người tiếp nhận hàng hóa.v.v.) gửi về Sở Công Thương; UBND cấp huyện giao cho Phòng Kinh tế (hoặc Kinh tế - Hạ tầng) là đầu mối thực hiện và báo cáo.
- Trường hợp nông sản thực phẩm, hàng thiết yếu dư thừa: UBND cấp huyện giao cho Phòng Kinh tế (hoặc Kinh tế - Hạ tầng) là đầu mối thực hiện thống kê đầu mối thu mua trên địa bàn (cụ thể tên đơn vị thu mua, địa chỉ, người liên hệ, điện thoại liên hệ, tên hàng, số lượng.v.v.) gửi về Sở Công Thương để hỗ trợ kết nối tiêu thụ.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng dịch và địa phương xã, phường, thị trấn tạo điều kiện cho phép phương tiện, người lái, người thu mua, giao nhận hàng hóa đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo yêu cầu 5K của Bộ Y tế được đến địa điểm kinh doanh được phép hoạt động để giao nhận hàng hóa.
* Đối với các làng, xã, cụm dân cư bị áp dụng biện pháp cách ly y tế:
Chỉ cho phép đưa các hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị phòng dịch vào để phục vụ nhu cầu chống dịch và tiêu dùng hàng ngày của nhân dân. Các chốt kiểm soát sẽ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận nhu cầu mua hàng của nhân dân để chuyển đến các cơ sở cung ứng do UBND các xã, phường, thị trấn hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố cho phép. Các cơ sở cung ứng trên cơ sở nhận đơn hàng của nhân dân (qua thông tin từ các chốt, qua điện thoại, mạng xã hội.v.v.) sẽ đưa hàng đến khu vực bị cách ly - song yêu cầu phải đủ điều kiện phòng dịch, khi giao nhận hàng phải đảm bảo khoảng cách theo quy định.
* Đối với các địa phương khác:
Các địa phương cần chủ động nắm chắc tình hình thực tiễn sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp tại cơ sở, thống kê, rà soát quy mô sản xuất từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng cây lương thực, rau, củ, đàn vật nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản… để đảm bảo sẵn sàng nguồn cung lương thực thực phẩm tại chỗ khi phát sinh tình huống xấu.
Chuẩn bị kỹ nhân lực, vật lực và phòng chống dịch nghiêm ngặt ở những nơi có điều kiện sản xuất tập trung quy mô lớn để duy trì sản xuất, cung cấp lượng thực, thực phẩm cho người dân. Tổ chức việc liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau trong cùng một thôn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi để có thể hỗ trợ duy trì sản xuất trong trường hợp hộ có người mắc bệnh phải cách ly lâu dài. Đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ (có hạn sử dụng) và hàng thiết yếu khác như: Mỳ tôm; muối; Dầu ăn; Nước đóng chai; Nước mắm; Nước sát khuẩn; Khẩu trang; Giấy vệ sinh.v.v. Hiện nay lực lượng hàng hóa tại các đơn vị phân phối lớn và các cửa hàng kinh doanh tại các khu dân cư cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu cho nhân dân tại địa bàn.
Sở Công Thương là đơn vị đầu mối, chủ trì tham mưu thực hiện Kế hoạch; các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt các nội trong kế hoạch.
Nguồn Bài: Trung tâm XTTM

Quảng cáo