1. Vị trí địa lý - Trung tâm kinh tế phía Bắc
Tỉnh Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía Tây, TP Hải Phòng 45 km về phía Đông và cách TP Hạ Long 100 km; gồm 12 đơn vị hành chính, trung tâm hành chính của tỉnh là TP Hải Dương.
Theo quy hoạch, tỉnh Hải Dương nằm trong "Vùng thủ đô" với vai trò là một trung tâm công nghiệp cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến.
2. Điều kiện tự nhiên - Thuận lợi cho sản xuất
Hải Dương có diện tích tự nhiên 1.656 km2, địa hình gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Vùng đồi núi chiếm 11% diện tích ở phía Bắc, với 2 huyện Chí Linh và Kinh Môn. Vùng đồng bằng được hình thành từ phù sa, rất màu mỡ.
Hải Dương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa. Độ ẩm trung bình từ 80- 90%, lượng mưa bình quân năm từ 1.450- 1.600 mm/năm, nhiệt độ bình quân năm 23,80C.
3. Tài nguyên, khoáng sản - Tiền đề cho nhiều ngành công nghiệp
Hải Dương có nhiều khoáng sản với trữ lượng lớn, làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp như: Đá vôi cho sản xuất xi măng, chủ yếu ở Kinh Môn với trữ lượng 550 triệu tấn; Cao lanh ở Kinh Môn và Chí Linh với trữ lượng 6,3 triệu tấn, chất lượng rất tốt dùng cho sản xuất gốm, sứ và nhiều loại vật liệu khác... Đất sét chịu lửa ở Chí Linh có trữ lượng 11,4 triệu tấn, là tiền đề cho vật liệu chịu lửa. Bôxít ở huyện Kinh Môn có trữ lượng 151.000 tấn.
4. Dân số - Thế mạnh phát triển kinh tế
Với dân số gần 2 triệu người, trong đó có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động. Mật độ phân bố dân cư 1.064 người/km2. Tỷ lệ dân cư nông thôn chiếm 75%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm trên 80%, siêng năng, ham học hỏi là thế mạnh của Hải Dương để phát triển sản xuất.
5. Giao thông - Kết nối những tuyến đường chính
Hải Dương có hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường sắt hiện đại, thuận lợi để vận chuyển hàng hoá và hành khách đi các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Hải Dương có 06 tuyến quốc lộ chạy qua, trong đó có tuyến đường cao tốc 5B hiện đại nhất Việt Nam và 05 tuyến đường liên tỉnh nối Hải Dương với các tỉnh, thành phố lân cận. Đến 2020, Hải Dương sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam của tỉnh. Tuyến đường sắt có tuyến Hà Nội - Hải Phòng là đường vận tải quan trọng ở miền Bắc; tuyến đường sắt Kép - Bãi Cháy qua Hải Dương tới thành phố Hạ Long vận chuyển hàng hoá tới cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Ngoài ra, Hải Dương còn có 16 tuyến sông chính và nhiều sông nhỏ. Tàu và sà lan trọng tải 1.000 tấn qua lại dễ dàng.
6. Tiềm năng phát triển kinh tế
* Nông sản, thực phẩm - Điểm nhấn đa dạng sản phẩm
Hải Dương được coi là vựa rau của khu vực đồng bằng sông Hồng. Một số loại nông sản có sản lượng lớn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như rau ăn lá, dưa chuột, cải bắp, chuối, hành, ớt, tỏi, vải thiều, khoai tây, dưa hấu và dưa lê, cà chua, xu hào, súp lơ, cà rốt….
Lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm của Hải Dương phát triển rất nhanh, hiện có trên 150 doanh nghiệp hoạt động trong ngành này. Công nghiệp chế biến đạt tốc độ tăng trưởng 23%/năm. Nông sản chủ yếu được xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ, Anh, Pháp, LB Nga, Úc và Mỹ...
Đặc sản nổi tiếng - bánh đậu xanh Hải Dương, bánh gai Ninh Giang được tiêu thụ mạnh trong nước, bánh đậu xanh được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Hải Dương còn có nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác như quả ổi, quả na được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
* Vải thiều Thanh Hà - Đặc sản nổi tiếng
Hải Dương là quê hương của cây vải thiều nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Hiện nay diện tích trồng vải luôn được duy trì khoảng 11.000 ha, sản lượng trên 50.000 tấn/năm, chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2007 vải thiều Thanh Hà được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý”. Năm 2012, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương lọt “Top 50 sản phảm uy tín chất lượng” do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và 2014 lọt “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là “Tinh hoa đặc sản 03 miền”. Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 02 giải thưởng “Thương hiệu vàng”. Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”.
Do có điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng khá đặc biệt, nên hương vị vải thiều Thanh Hà thơm và ngọt hơn quả vải được trồng ở các khu vực khác. Hiện nay, vải thiều đã được sản xuất theo quy trình VietGap và GlobalGap nên có sức tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, các nước khu vực Trung Đông.
* Chăn nuôi - Phát triển bền vững
Chăn nuôi lợn và gia cầm là thế mạnh của tỉnh. Sản lượng thịt lợn hơi đạt 95.000 tấn/năm. Đàn gia cầm đạt gần 11 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi 33.000 tấn/năm. Sản phẩm gà đồi Chí Linh đã được cấp nhãn hiệu tập thể.
Hiện nay, Hải Dương đang tập trung phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, sản xuất trang trại, gia trại lớn. Toàn tỉnh có 8 khu chăn nuôi tập trung theo tiêu chuẩn, mang lại hiệu quả chất lượng cao. Sản phẩm thịt lợn cấp đông của tỉnh được khách hàng nước ngoài đánh giá cao và đang được xuất khẩu sang Nga, Ucraina, Belarus và nhiều quốc gia khác.
Các sản phẩm thủy sản đa dạng với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 10.000 ha, nhiều diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP. Hiện Tỉnh có 10 khu nuôi trồng thủy sản tập trung với 953 ha; có 15 HTX nuôi thủy sản.
Hải Dương còn có những đặc sản nổi tiếng khác như Rươi, Cáy tại huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kinh Môn.
* Gốm sứ - Bề dày truyền thống
Ngành gốm sứ Hải Dương phát triển từ hàng trăm năm nay. Nổi tiếng nhất là gốm Chu Đậu, đã đạt tới trình độ thế giới cách đây 700 năm, là mặt hàng giao thương giữa Việt Nam với nhiều nước, thu hút được nhiều khách hàng nước ngoài quan tâm.
Ngoài ra, còn có 2 dòng gốm khác như gốm Cậy và gốm Quao, đều nằm trong hệ thống sản xuất gốm Việt Nam từ thế kỷ XV.
Hải Dương còn là cái nôi của ngành sứ hiện đại. Có 03 nhà sản xuất sứ dân dụng lớn là HAPOCO, Chu đậu Hải Dương và Hapro Chu Đậu. Thị trường xuất khẩu chính của gốm sứ Hải Dương là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, ..
* Mỹ nghệ - Độc đáo và tinh xảo
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang nét truyền thống độc đáo, tinh xảo như đồ gỗ chạm khắc Đông Giao, giày dép Tam Lâm, vàng bạc Châu Khê, thêu ren... đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Hải Dương đang tích cực đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm làng nghề.
* May mặc - Thế mạnh xuất khẩu
Hải Dương có trên 180 doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc với số lao động trên 60.000 người. Năm 2016, các doanh nghiệp tại Hải Dương sản xuất khoảng 950 triệu sản phẩm quần áo các loại, đạt kim ngạch gần 1.200 triệu USD.
* Giầy dép - Năng lực cạnh tranh cao
Giày dép là lĩnh vực phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm. Hiện nay, Hải Dương có trên 30 doanh nghiệp sản xuất giày dép với gần 20.000 người, sản lượng hàng năm từ 22 triệu đôi, đạt kim ngạch xuất khẩu 425 triệu USD.
Trong ngành giày dép, 02 doanh nghiệp lớn nhất là Công ty Cổ phần Giày Cẩm Bình và Công ty Cổ phần Giày Hải Dương, đóng góp tới trên 50% sản lượng cả tỉnh.
* Sản phẩm công nghệ - Vững bước tới tương lai
Nhờ điều kiện thuận lợi, Hải Dương thu hút được nhiều dự án phát triển công nghiệp trong các lĩnh vực như sản xuất, ô tô, dây và thiết bị điện, điện tử, may mặc, máy vi tính, linh kiện và phụ tùng máy móc, máy bơm nước công suất lớn, đóng tàu, thép xây dựng đã nâng tầm ngành công nghiệp của tỉnh lên một bước mới.
* Vật liệu xây dựng - Nền tảng vững chắc
Hải Dương có nhiều thế mạnh trong phát triển ngành vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh…
Ngành sản xuất xi măng Hải Dương rất phát triển với các thương hiệu lớn như xi măng Vicem Hoàng Thạch-nhãn hiệu xi măng lâu đời nhất Việt Nam, xi măng Phúc Sơn, xi măng Hải Dương, xi măng Trung Hải với công nghệ tiên tiến. Sản lượng xi măng của tỉnh đạt hơn 6,2 triệu tấn/năm.
Gạch ốp lát có sự phát triển mạnh mẽ. Năng lực sản xuất gạch ốp lát của Hải Dương đạt 6-6,5 triệu m2/năm.
Ngoài ra, các sản phẩm vật liệu chịu lửa, bột xây dựng… có chất lượng cao và sản lượng tương đối lớn. Trong thời gian tới, ngành vật liệu xây dựng sẽ là một trụ cột của công nghiệp Hải Dương.
Thu hút đầu tư - Điểm đến đầy sức hút
Đầu tư nước ngoài đang gia tăng mạnh mẽ, trên địa bàn tỉnh có trên 315 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư trên 6,8 tỷ USD, đứng top 10 trong cả nước.
Những năm qua, Hải Dương luôn tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể nhận đất để triển khai dự án các khu công nghiệp chỉ trong vòng 10 ngày. Điều này đã được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
Theo dự báo, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong những năm tới.
Doanh nghiệp - Vị trí quan trọng trong nền kinh tế
Những năm gần đây, khối doanh nghiệp FDI luôn đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh mặc dù chỉ chiếm khoảng 4% trên tổng số doanh nghiệp trong tỉnh.Tuy nhiên Hải Dương vẫn cho thấy sự hấp dẫn về môi trường kinh doanh đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Anh, Singapore, Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia... luôn coi Hải Dương là điểm đến lý tưởng để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Phát triển công nghiệp - Nhanh và bền vững
Hải Dương là địa phương có tốc độ phát triển khu công nghiệp nhanh tại Việt Nam. Tỉnh hiện có 18 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 3.517ha, trong đó 11 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đấy bình quân hơn 65%. Hầu hết các KCN nằm dọc các trục đường quốc lộ thuận tiện giao thông.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng quy hoạch 33 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.400ha, tỷ lệ lấp đầy trên 95%. Theo quy hoạch, đến năm 2025 có 45 CCN với tổng diện tích là 2.300 ha.
Ưu đãi đàu tư - Cơ chế hấp dẫn
Ngoài chính sách chung của Nhà nước, Hải Dương đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư:
1. Ưu đãi về vốn đầu tư
2. Ưu đãi lãi suất vay vốn và phí cung cấp các dịch vụ của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng
3. Ưu đãi về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng KCN
4. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động địa phương
5. Ưu đãi về thông tin quảng cáo và khuyến khích vận động đầu tư vào KCN
Phát triển đô thị mới - Văn minh, hiện đại
Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng, các khu công nghiệp được mở ra, nhu cầu về nhà ở hiện đại ngày càng cấp thiết. Tỉnh Hải Dương đã cho đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị mới tại phía Đông, phía Tây, phía Nam thành phố Hải Dương với tổng diện tích gần 1.300 ha. Đây là những khu đô thị kiểu mới, được thiết kế đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, tạo cuộc sống chất lượng cao.
Ngoài ra, có nhiều khu dân cư mới được đầu tư xây dựng tại tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu sinh sống ngày càng văn minh của người dân.
Năng lượng - Đảm bảo cho nhu cầu
Với Nhà máy nhiệt điện Phả Lại công suất 1.040 MW, Hải Dương có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt của 100% người dân trên địa bàn tỉnh. Sản lượng điện sản xuất đạt 6,2 tỷ Kwh.
Lưới điện trên địa bàn tỉnh tương đối đồng bộ, kết nối với lưới điện quốc gia 500kvA, đáp ứng tốt nhu cầu năng lượng cho khu vực sản xuất, Hải Dương đã đầu tư cải tạo, xây mới hàng loạt đường dây 220 kV, 110 kV, 35 kV; các trạm biến áp 220 kV, 110 kV, 35 kV; phát triển lưới và trạm biến áp phụ tải cung cấp đủ điện cho tất cả các khu công nghiệp, đô thị.
Ngân hàng - Nhanh chóng, thuận tiện
Hệ thống ngân hàng của tỉnh bao gồm các chi nhánh Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Sài Gòn thương tín, Ngân hàng quốc tế và nhiều ngân hàng khác… đều có quan hệ thanh toán trong nước và quốc tế nhanh chóng, thuận lợi.
Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chi nhánh khắp các địa bàn trong tỉnh. Ngoài ra còn có trên 100 xã có quỹ tín dụng nhân dân, đáp ứng việc khai thác và cung cấp vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong tỉnh.
Viễn thông - Hiện đại hoá, tốc độ nhanh
Trong chiến lược chung của cả nước, viễn thông Hải Dương được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại. Mạng lưới viễn thông liên tục được nâng cấp và mở rộng, đáp ứng tốt các nhu cầu thông tin liên lạc chất lượng cao.
Ban Quản trị