Hải Dương: Khai thác tiềm năng, chia sẻ cơ hội
Tỉnh Hải Dương có “lợi thế cứng” hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đó là: nằm ở vị trí tâm điểm của tam giác kinh tế phía Bắc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh thuận tiện cho giao thương hàng hóa.
Đây là tỉnh đứng thứ 10 trong cả nước có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ hiện đại, với các khu công nghiệp nằm dọc theo quốc lộ 5 và quốc lộ 18 thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp vào hoạt động; có lượng lao động dồi dào, trình độ chuyên môn cao. Không chỉ thế những năm gần đây, tỉnh luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, “tạo lợi thế mềm” về cơ chế chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đầu tư đơn giản giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tiếp cận với địa phương một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất. Bức tranh tổng thể của một địa phương được coi là “ánh mặt trời của biển Đông” – Hải Dương đang ngày càng được chấm phá thêm nhiều nét thêm sinh động và hấp dẫn hơn. Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum trân trọng có buổi trao đổi với Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương để chia sẻ về những tiềm năng đầu tư và cơ hội khi đến với tỉnh Hải Dương. Ngô San – Vũ Thủy ghi.
Những gì mà cán bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương làm được trong thời gian qua đều thể hiện trên con số các mặt kinh tế chính trị văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng. Vậy xin ông chia sẻ cụ thể những kết quả mà tỉnh nhà đã đạt được trong riêng 6 tháng đầu năm nay, thưa ông?
Với sự cố gắng không ngừng của tập thể cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh, Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là về kinh tế. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) ước tăng 7,8% so với cùng năm 2014 (KH năm tăng 7,5% trở lên), trong đó giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,9%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 10,7%, khu vực dịch vụ tăng 7,1%. Tiến độ thu ngân sách đạt khá so với dự toán và so với cùng thời điểm năm 2014. Tổng thu đạt 4.837,130 tỷ đồng, bằng 62,8% dự toán năm. Một số khoản thu có tỷ trọng lớn như thu từ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,3%, thu ngoài quốc doanh tăng 22%.
Tỉnh đã hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp: Đại An (điều chỉnh lần thứ 2) 135,96 ha; Cộng Hòa 201,23 ha; Lai Vu 212,89 ha; Phân khu phía Đông KCN Phú Thái 35,15 ha; Cẩm Điền – Lương Điền (giai đoạn 1) 149,31 ha. Từng bước chuyển nhượng Dự án hạ tầng KCN Cẩm Điền – Lương Điền về chủ mới; đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng KCN Lai Vu; triển khai xây dựng hạ tầng KCN Cẩm Điền – Lương Điền và Phân khu phía Đông KCN Phú Thái, lập quy hoạch chi tiết và khảo sát lập quy hoạch KCN Gia Lộc (200 ha).
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai Chương trình Phát triển đô thị thị xã Chí Linh, từng bước lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, các hoạt động xuất nhập khẩu được tỉnh đặc biệt coi trọng, do vậy thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh tăng mạnh, 83,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội – y tế giáo dục, đời sống... của nhân dân cũng được đảm bảo. Toàn tỉnh giải quyết việc làm tại chỗ và tạo chỗ làm mới cho 17.233 lao động, đạt 59,8% kế hoạch năm, xuất khẩu lao động được 1.895 người, đạt 59,2% kế hoạch năm. Đã thẩm định được 121 dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với tổng số tiền 2.569 triệu đồng, thu hút 119 lao động. Những con số trên đều thể hiện quyết tâm của tỉnh, chúng tôi đang dần hoàn thiện mình hơn, xây dựng một bức tranh tổng thể kinh tế xã hội ổn định, vững mạnh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hơn khi đến với Hải Dương.
Hiện nay có một thực tế rất nhiều địa phương mải miết tổ chức các cuộc xúc tiến kêu nhà đầu tư từ các nơi khác đến, mà dường như “bỏ quên” đội ngũ doanh nghiệp đang hoạt động đóng thuế trên địa bàn tỉnh mình. Vậy Hải Dương có những biện pháp nào để hài hòa giữa việc kêu gọi đầu tư từ bên ngoài vào tỉnh và có sự quan tâm tới đội ngũ doanh nghiệp trong tỉnh?
Hải Dương có xuất phát điểm từ một tỉnh thuần nông, thu ngân sách chủ yếu dựa vào cây lúa hạt gạo của người dân. Những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn bộ nhân dân, Hải Dương đã dần thay da đổi thịt, diện mạo cũng ngày một khang trang hơn. Nếu bạn so sánh hình ảnh của tỉnh Hải Dương bây giờ với thời điểm 5 năm hay 10 năm về trước, đã thấy rõ sự thay đổi như một con người mới hoàn toàn.
Toàn tỉnh hiện có khoảng (300 DN FDI, 8041 DN DDI đăng ký hoạt động (trong đó có khoảng 5500 DN đang hoạt động ổn định) doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, đóng góp ngân sách cho tỉnh và Nhà nước. Thời gian qua, bên cạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư, tỉnh luôn quan tâm và có chính sách hài hòa đồng hành và hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Bởi hơn ai hết, đây chính là đội ngũ đang từng ngày làm thay đổi diện mạo của tỉnh ngày một tươi mới, rõ nét hơn.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, ảnh hướng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp thời gian vừa qua, tỉnh cũng đưa ra nhiều biện pháp, chỉ đạo các sở ban ngành liên quan có những phương hướng giải quyết khúc mắc kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các ngành liên quan đến thuế, hải quan, ngân hàng. Tỉnh luôn nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, cơ chế một cửa liên thông, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí. Chỉ đạo và phối hợp các ngành Thuế, Hải quan, Ngân hàng… theo dõi sát xao, kịp thời nắm bắt và giải quyết khó khăn để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Hàng năm tỉnh tổ chức gặp mặt đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ những vướng mắc và nghe ý kiến đóng góp về xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hoàn thiện hơn cho tỉnh.
Vậy những quyết tâm của tỉnh để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) thời gian tới?
Những năm gần đây Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh đã có được sự cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều bất cập. Tỉnh cũng rất thẳng thắn nhìn vào những hạn chế như: cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư tuy đã công bố công khai minh bạch nhưng khi thực hiện còn nhiều vấn đề, gây nhiều phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp; việc thu hút đầu tư còn bộ lộ nhiều hạn chế, sử dụng các nguồn lực đầu tư còn dàn trải; hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về đầu tư chưa cao; sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và các địa phương chưa tốt; công tác giải phóng mặt bằng còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết... Quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương trong phát triển kinh tế thời gian tới là tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao, xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, và nâng cao hơn nữa chỉ số PCI. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đó, tỉnh có đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm:
- Thứ nhất, chỉ đạo quyết liệt khắc phục ngay những tồn tại yếu kém hiện nay, nhằm đổi mới căn bản môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Việc thu hút đầu tư nhiều là cần thiết, song tỉnh đã có chủ trương chọn lọc kỹ, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường; chủ động nắm bắt nhu cầu của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế ưu đãi đặc thù đối với loại dự án này để thu hút về đầu tư tại Hải Dương.
- Thứ hai, công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến các thủ tục thu hút đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường, nhằm loại bỏ phiền hà, tạo điều kiện và thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án; , kiện toàn mô hình “một cửa liên thông” ở một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã để thực hiện tối đa cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính
- Thứ ba, quan tâm và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh tại Hải Dương, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là tháo gỡ khó khăn về vốn vay ngân hàng.
- Thứ tư, kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh để đôn đốc, kiểm tra và nắm bắt, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
- Thứ năm, định kỳ 6 tháng và 1 năm, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt đối thoại với các doanh nghiệp, nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, đề ra chủ trương biện pháp, giải quyết phù hợp.
Các tin khác
- Hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ (12-10-2018)
- Hỗ trợ kết nối tiêu thụ thanh long, dưa hấu Bình Thuận (12-10-2018)
- Triển lãm Vietfood & Beverage - Propack 2019 tại Hà Nội (12-10-2018)
- Hợp tác xã Chanh Nam Kim tìm đại lý phân phối trên địa bàn tỉnh Hải Dương (12-10-2018)
- Công ty Thủy sản Nghệ An tìm đại lý phân phối nước mắm trên địa bàn tỉnh Hải Dương (12-10-2018)
Quảng cáo